Cô Phan Ngọc Bích (Trường Tiểu học Lê Văn Tám - Kon Tum) chia sẻ kinh nghiệm về một số giải pháp giúp giáo viên làm tốt công tác chủ nhiệm lớp học sinh dân tộc.
Thay đổi vị trí lãnh đạo của ban cán sự lớp
Theo của cô Bích, học sinh được phân công làm cán sự lớp là những học sinh dân tộc thiểu số có khả năng nói tiếng Việt tốt hơn, mạnh dạn hơn, có khả năng lãnh đạo, linh hoạt hơn, tự tin hơn.
Giáo viên nên để mỗi học sinh tham gia làm cán sự lớp từ lớp trưởng đến tổ phó trong thời gian 1,5 đến 2 tháng, sau đó lại đổi nhiệm vụ ở các vị trí khác. |
“Với 10 vị trí từ lớp trưởng đến tổ phó trong 1 năm học, giáo viên chủ nhiệm có thể đảo vị trí 3 lần và tất cả các học sinh trong lớp đều được tham gia làm cán sự lớp đến 3 lần ở những vị trí khác nhau.” – cô Bích chia sẻ.
Với cách làm nêu trên, cô Bích cho biết ở lớp cô chủ nhiệm đã có những chuyển biến tích cực. Các em biết chia sẻ, học tập lẫn nhau, tinh thần tập thể, đoàn kết, thân thiện được nâng cao. Đặc biệt là các em có điều kiện để phát huy năng lực và phẩm chất trong việc quá trình quản lý và điều hành lớp học.
Đối thoại với cán bộ lớp
Theo kinh nghiệm của cô Bích, mỗi cuối tuần cô thường tổ chức một cuộc nói chuyện với cán bộ lớp để nắm bắt cụ thể tình hình của từng học sinh trên lớp.
“Tôi hỏi và để cán bộ lớp thể hiện được tiếng nói nguyện vọng của tập thể, giống như một cuộc nói chuyện cởi mở và câu chuyện thường bắt đầu bằng những gợi ý của tôi."
Khi các em tự nói cũng là cách để các em tự đòi hỏi bản thân mình phải làm thế nào để tự nâng cao khả năng tiếng Việt của mình”- cô Bích trao đổi.
Cũng theo cô Bích, những buổi nói chuyện sẽ giúp cô, trò gần gũi nhau hơn. Để làm được điều này, giáo viên cần thân thiện và tạo niềm tin cho học sinh. Đặc biệt là tạo không khí gợi mở, tự nhiên, không nên sắp đặt trước.
“Ví dụ câu chuyện quyên góp ủng hộ quỹ khuyến học cho học sinh khuyết tật, tôi đã trực tiếp đưa các em tiếp xúc với các bạn bị tật nguyền để các em được tận mắt thấy được những thiệt thòi mà các bạn phải gánh chịu quả thật không dễ dàng chút nào.
Ngược lại đối tượng học sinh dân tộc thiểu số ở trường tôi luôn nhận được những chia sẻ của các bạn học sinh người Kinh. Đó là những quyển vở, cây bút, những bộ quần áo...
Đơn giản vậy thôi nhưng hiệu quả thật không ngờ. Qua đó đã hình thành sự cảm thông, chia sẻ, biết yêu thương trong các em” – cô Bích dẫn giải.
Phương pháp tác động cá biệt
Theo cô Bích, người giáo viên chủ nhiệm nắm vững vận dụng mọi phương pháp giáo dục cá biệt, phương pháp giáo dục tập thể và biết kết hợp chúng trong hoàn cảnh cụ thể. Phương pháp giáo dục cá biệt ở đây không nên hiểu là giáo dục học sinh đặc biệt (hư, ngoan) như quan niệm thường thấy ở một số người.
"Nếu giáo viên chủ nhiệm không đo được mức độ của hành vi, sử dụng không tương ứng, dẫn tới phản tác dụng giáo dục, không đáng khen mà khen quá lời cũng không tốt, chỉ đáng nhắc nhở mà giáo viên chủ nhiệm cảnh cáo phê bình sẽ dễ làm cho học sinh hậm hực, mất lòng tin, bi quan."
“Cần hiểu phương pháp giáo dục cá biệt là sự tác động tới từng cá nhân một cách chuyên biệt để đảm bảo tính phù hợp với đối tượng.
Ví dụ: Cùng một biểu hiện hư như nhau, nhưng có em phải phê bình nghiêm khắc, có em thì nhắc nhẹ, có khi chỉ nhắc chung hoặc có khi phải trực tiếp, có khi thông qua bạn bè, gia đình tập thể” – cô Bích dẫn giải.
Ngoài ra, theo cô Bích bằng uy tín và vị thể của giáo viên chủ nhiệm, phương pháp tác động trực tiếp đem lại hiệu quả giáo dục tức thời.
Ví dụ: học sinh nói chuyện trong giờ học, không làm bài đầy đủ hoặc có nhiều biểu hiện hành vi tốt như làm bài hay, sáng tạo thì giáo viên chủ nhiệm có thể nhắc nhở, tuyên dương, động viên, khen thưởng.
Giáo Dục Số - Theo GDTĐ